IPO là một trong những hoạt động giúp các công ty tăng uy tín và vốn rất nhanh. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ về IPO. Vậy IPO là gì? Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp tất tần tật những kiến thức quan trọng cần biết về IPO. Mời các bạn theo dõi!
IPO là gì?
IPO là gì? IPO (hay Initial Public Offering), mang nghĩa gốc là “Phát hành lần đầu ra công chúng”. Thuật ngữ này được dùng để chỉ một công ty lần đầu tiên huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua việc lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán. Trong đó, công chúng được hiểu như một tập hợp các nhà đầu tư với giá trị chứng khoán chào bán đủ lớn. Sau lần đầu phát hành ra công chúng, công ty cổ phần sẽ chính thức trở thành một công ty đại chúng hay còn gọi là công ty cổ phần đại chúng.
Mục đích của hoạt động IPO là gì?
Nhu cầu gia tăng nguồn vốn cho công ty luôn là công việc được ưu tiên, vì nhờ đó mà công ty có thể mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển, giúp đẩy nhanh nguồn thu hiệu quả hơn. Phát hành, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là cách tốt nhất để gia tăng lượng vốn và tạo được rất nhiều cơ hội tài chính. Hình thức cổ phần hóa này còn giúp nhân viên trong công ty sở hữu một lượng cổ phần nhất định từ công ty.
Một số mục đích khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động IPO có thể kể đến như:
- Khẳng định nguồn lực và vị thế của doanh nghiệp trước công chúng, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu và uy tín.
- Giúp huy động một lượng lớn vốn lớn từ nhiều nhà đầu tư trong cộng đồng để mở rộng quy mô hoạt động.
- Quá trình IPO mang nhiều giá trị hơn so với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
- Hoạt động cổ phần hóa góp phần thu hút nguồn nhân lực tiềm năng, tạo dựng đội ngũ nhân viên đầy năng lực.
- Quá trình IPO được xem là bước đệm phục vụ cho các quá trình sáp nhập và mua lại các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng.
Điều kiện để IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam
Điều kiện để triển khai IPO dường như khá cao thông qua những chuẩn mực cụ thể như sau:
- Vốn điều lệ: Tính theo giá trị trên sổ kế toán, tại thời điểm đăng ký IPO, doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ trên 30 tỷ đồng.
- Kết quả hoạt động kinh doanh: Trong 2 năm liên tục trước thời điểm đăng ký IPO, doanh nghiệp hoạt động phải có lợi nhuận và không có lỗ lũy kế.
- Có phương án hoạt động cụ thể: Doanh nghiệp cần phải cung cấp được phương án phát hành và sử dụng nguồn vốn thu được sau khi chào bán lượng cổ phiếu được các cổ đông thông qua.
- Tỷ lệ số cổ phiếu có quyền biểu quyết: Theo quy định, tỷ lệ số cổ phiếu được quyền biểu quyết, được phát hành cần bán được cho hơn 100 nhà đầu tư không phải là những cổ đông lớn trong doanh nghiệp, là trên 15%. Trong trường hợp, vốn điều lệ của doanh nghiệp trên 1000 tỷ đồng thì tỷ lệ này bắt buộc phải đạt mức trên 10%.
- Cam kết của cổ đông lớn nhất: Trong vòng 1 năm kể từ thời điểm kết thúc chào bán của hoạt động IPO, các cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp phải cam kết luôn nắm giữ tối thiểu 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
- Yêu cầu về tính chất của doanh nghiệp: Doanh nghiệp lần đầu tiên thực hiện IPO phải đảm bảo đang hoạt động bình thường, ổn định; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không bị kết án liên quan đến việc xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
- Lựa chọn công ty chứng khoán tư vấn: Doanh nghiệp phải có công ty chứng khoán tư vấn trong việc đăng ký phát hành chào bán cổ phiếu. Yêu cầu này không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty chứng khoán thực hiện IPO.
- Yêu cầu về tài khoản: Doanh nghiệp cần mở một tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán chứng khoán lần đầu tiên.
- Cam kết: Doanh nghiệp cần cam kết sẽ niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống sàn giao dịch sau khi kết thúc IPO.
Hiện nay, các hoạt động giao dịch chứng khoán được quản lý bởi 2 Sở giao dịch lớn. Đó là Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý sàn HOSE và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trực tiếp quản lý sàn HNX.
Khi doanh nghiệp về cơ bản có thể đáp ứng được các điều kiện trên, sẽ bắt đầu tiến hành quá trình đăng ký IPO, hồ sơ bao gồm:
- Giấy đăng ký về việc IPO.
- Bản cáo bạch.
- Điều lệ doanh nghiệp.
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong việc phê duyệt phương án sử dụng nguồn vốn thu được sau khi IPO.
- Văn bản cam kết niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống sàn giao dịch sau khi hoàn thành đợt IPO.
- Văn bản cam kết của các cổ đông lớn về việc duy trì nắm giữ tối thiểu 20% cổ phần của doanh nghiệp trong ít nhất 1 năm kể từ thời điểm kết thúc IPO.
- Hợp đồng giữa doanh nghiệp và công ty chứng khoán với vai trò tư vấn.
- Văn bản của ngân hàng về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán chứng khoán lần đầu tiên.
- Cam kết bảo lãnh phát hành.
Các phương thức chào bán IPO
Dựa trên luật chứng khoán, hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được phép thực hiện thông qua các phương thức sau:
- Các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm báo đài, vô tuyến, Internet…
- Đấu giá kiểu Hà Lan (đấu giá giảm dần): là hình thức đấu giá khi một món hàng được chào bán với một mức giá rất cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. Sau đó, giá sẽ giảm xuống từ từ cho đến khi một trong những người đấu giá chấp nhận mức giá hiện tại.
- Bảo lãnh cam kết.
- Dịch vụ với trách nhiệm cao nhất.
- Mua buôn và chào bán lại.
- Tự phát hành.
Những lưu ý khi mua IPO
- Tìm hiểu rõ bản cáo bạch của doanh nghiệp thực hiện IPO
Bản cáo bạch là nơi doanh nghiệp thể hiện các thông tin liên quan đến tài sản, hiệu quả kinh doanh, tình hình tài chính,… Chính vì thế, để có thể xác định chính xác mức độ hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp thì việc nghiên cứu bản cáo bạch là một trong những điều kiện tiên quyết cho việc quyết định có nên đầu tư hay không. Tuy nhiên bản cáo bạch này là do chính doanh nghiệp tự xây dựng nên bạn cần tỉnh táo và cân nhắc kỹ nhé.
- Nghiên cứu ngành nghề hoạt động của công ty thực hiện IPO một cách khách quan
Bạn cần có cho mình một cái nhìn khách quan, bao quát hơn về tổng quan ngành nghề hoạt động của công ty đó đối với tình hình kinh tế hiện tại. Đồng thời, nghiên cứu thêm về các đối thủ cạnh tranh cũng như những thông tin của doanh nghiệp đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong ít nhất 5 năm gần đây nhất.
- Ưu tiên lựa chọn các công ty sử dụng dịch vụ tư vấn có danh tiếng, chất lượng trong ngành
- Luôn chủ động trong việc tiếp cận thông tin và kiên nhẫn chờ đợi.
- Hoàn tất quá trình đăng ký mua IPO trước khi kết thúc thời gian phát hành để có thể dễ dàng chỉnh sửa những thông tin cần thiết.
- Cổ phiếu được phát hành IPO có thể chuyển nhượng với số lượng nhât định.
- Nên hạn chế hoặc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua IPO của các doanh nghiệp mới thành lập, chưa ổn định được mô hình kinh doanh.
- Nhờ sự tư vấn của các chuyên gia, tư vấn viên tại các công ty chứng khoán để hiểu rõ hơn về quy trình, các thông tin liên quan đến IPO.
Nhìn chung, IPO được xem như một quy trình tài chính phức tạp nhưng mang lại nhiều lợi ích. Giá trị mà IPO mang lại không chỉ trong phạm vi doanh nghiệp mà còn với các nhà đầu tư trên thị trường. IPO chính là bước khởi đầu cho quá trình một doanh nghiệp công khai giá trị hoạt động tài chính. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho công việc của bạn!